Hỏi đáp mới nhất
THÔNG BÁO MỚI
Ngày
23-12-2022
Các Đơn vị tham gia trả lời tại Hệ thống
Gỡ vướng mắc, tạo động lực phát triển ngành công nghệ thông tin – điện tử
Chủ trì Hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin – Điện tử với chính quyền thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã lắng nghe các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, cùng trao đổi các sáng kiến, giải pháp để đẩy mạnh phát triển ngành công nghệ thông tin – điện tử, xây dựng chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh.
Vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp
Tại Hội nghị, doanh nghiệp (DN) đề nghị giải thích quy định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm; giảm tỷ lệ đóng thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ, công nhân viên làm trong Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC); tháo gỡ vướng mắc khi thành lập DN, khó khăn về tìm kiếm nhân lực...
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu cho rằng mặc dù chính sách thuế rất ưu đãi cho lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và nhất là cho DN mới. Các DN trong hội đề nghị Cục thuế nên có hướng dẫn chi tiết hơn để DN được hưởng ưu đãi chính sách.
Nhiều doanh nghiệp nhận thấy nhân lực về lĩnh vực CNTT – điện tử của TP. Hồ Chí Minh chưa đáp ứng được nhu cầu. DN thấy cần tăng mạnh chỉ tiêu đào tạo ngành CNTT tại các trường đại học và đề nghị lãnh đạo thành phố giao cho QTSC, Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA), Liên minh các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm (VNITO), Sở Thông tin và Truyền thông, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp đưa ra đề xuất cụ thể về đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu. DN cũng đề nghị các trường đại học nên đào tạo thêm kiến thức về thị trường cho sinh viên.
Về hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), ông Trần Anh Tuấn cho biết các sản phẩm trí tuệ của Việt Nam hiện nay có nhiều cái rất hay và DN muốn có sự giao thương kết nối tạo thành hệ sinh thái đối tác với cộng đồng CNTT trên thế giới, nên các hoạt động XTTM cần làm sao kéo được các DN nước ngoài vào. Đối với trong nước, hiện nay nhận thức của các DN về ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý trong DN còn hạn chế, nên có các hoạt động XTTM kết nối cho DN ngành CNTT gặp gỡ trực tiếp DN các lĩnh vực khác để có cơ hội giới thiệu các sản phẩm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Nhiều DN đề xuất quảng bá cho ngành CNTT qua việc cung cấp thông tin bằng ngoại ngữ, xuất bản Sách trắng CNTT TP. Hồ Chí Minh, tổ chức hội thảo quốc tế, XTTM tại các thị trường trọng điểm (Bắc Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Singapore, Úc…).
Với mong muốn đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm về công nghệ thông tin của Đông Nam Á, các doanh nghiệp đã cùng trao đổi các sáng kiến, kiến nghị giải pháp về xây dựng chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh. Theo đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Go-Ixe, hiện tại việc áp dụng công nghệ thông tin - điện tử còn khá hạn chế. TP. Hồ Chí Minh có thể tận dụng giai đoạn phát triển mạnh mẽ của chương trình khởi nghiệp quốc gia cho việc giải quyết các vấn đề cấp bách của thành phố. Nếu tận dụng tốt hệ sinh thái khởi nghiệp hiện tại, thành phố hoàn toàn có thể áp dụng vào việc xây dựng “Thành phố thông minh”. Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Go-Ixe đề xuất chính quyền thành phố nên đặt hàng cộng đồng khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thông qua các vườn ươm, Sở Khoa học và Công nghệ đối với các giải pháp giao thông, chống kẹt xe, giải pháp trong lĩnh vực gọi xe, giải pháp sắp xếp gánh hàng rong, giải pháp đặt lịch hẹn trực tuyến đối với cơ quan hành chính phường xã và cho chỉ số tín nhiệm trên mỗi cuộc tiếp dân (ứng dụng di động), cải thiện văn hoá làm việc.Các DN đề nghị cải tiến hoạt động của các vườn ươm DN, cần tích cực kết nối cho những DN đang hoạt động tốt tiếp cận cố vấn cho DN khởi nghiệp. Các DN cũng đề xuất thiết lập kênh đối thoại thường xuyên để các doanh nghiệp công nghệ tham gia hiến kế, giải pháp cho chính quyền thành phố; xây dựng cổng thông tin các chương trình cấp thiết của thành phố để tiếp thu giải pháp của doanh nghiệp.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh ngành điện tử - CNTT - viễn thông là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu và trong nhóm 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP. Hồ Chí Minh, có tốc độ tăng trưởng cao trong 5 năm gần đây, đạt 16,5%/năm, sản lượng sản xuất chiếm trên 27% so với cả nước.
Trong Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2011 – 2015, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc chuyển dịch ngành điện tử với những sản phẩm hàm lượng công nghệ cao. Chương trình phát triển vi mạch của thành phố đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip thế giới (đứng thứ 3 về lĩnh vực thiết kế vi mạch trong khu vực ASEAN), đã tạo lập được thương hiệu về sản xuất, gia công phần mềm, đưa thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước về điện tử - công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp trực tiếp của ngành điện tử - CNTT - viễn thông vào thành quả chung của kinh tế thành phố còn chưa cao, năm 2015 chiếm 4,1%, chưa tương xứng với tiềm lực của thành phố do còn tồn tại nhiều rào cản hạn chế nâng cao năng lực canh tranh, thúc đẩy DN phát triển như cơ chế chính sách chưa đồng bộ, người thực thi chính sách chưa tạo điều kiện cho DN được hưởng các ưu đãi đặc thù của ngành…
Để tiếp tục kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, UBND thành phố đề nghị Hội Tin học TP.HCM (HCA), Liên minh VNITO lập một đề án tổng thể phát triển ngành CNTT – điện tử và đề xuất cụ thể những gì cần sự hỗ trợ để xúc tiến nhanh việc ký chương trình hợp tác với UBND thành phố. Từ đó, UBND thành phố có cơ sở chỉ đạo cụ thể từng sở, ngành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cùng phục vụ cho sự phát triển lĩnh vực này.
Về thuế, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Cục thuế Thành phố phát huy vai trò trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối với DN nước ngoài thì lãnh đạo Cục thuế nên làm việc trực tiếp cho họ hiểu chính sách phát triển của ngành CNTT.
Đối với hoạt động XTTM, ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị ITPC đẩy mạnh các chương trình hội chợ, hội nghị về CNTT – điện tử, làm sao thương mại hóa những sản phẩm công nghệ hay của DN, đưa những sản phẩm này đến công chúng, giúp cho DN có đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Thành phố sẽ kết nối các hiệp hội với các DN ngành CNTT để ngày càng nhiều DN tăng khả năng quản trị, điều hành thông minh hơn bằng công nghệ.
Thành phố rất quan tâm DN khởi nghiệp, sẽ chọn ra một sở ngành làm đầu mối tham mưu chính, chọn địa điểm làm trụ sở cho trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, ông Trần Vĩnh Tuyến mong những DN có kinh nghiệm, thành đạt sẽ cùng thành phố giúp DN khởi nghiệp. Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết “Đề án Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030” đang ở giai đoạn cuối hoàn thành để đưa ra HĐND góp ý. Các đề xuất của DN sẽ là một trong các cơ sở để thành phố triển khai thực hiện tốt Đề án. Thành phố ưu tiên cho DN trong nước tham gia đấu thầu các dự án, DN có thể tham gia tổng thể hoặc từng phần công nghệ, giải pháp trong đó có: trung tâm dữ liệu dùng chung mã nguồn mở, trung tâm an toàn thông tin, trung tâm điều hành thành phố, trung tâm mô phỏng chiến lược. Thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối tiếp nhận những công nghệ hay mà DN giới thiệu để xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử. Những dự án hay, thành phố có thể hỗ trợ lãi suất vay kích cầu cho DN trong nước.
Về nhân lực, theo ông Tuyến đã khó nhiều năm và tiếp tục khó, thật ra không thiếu, cũng không hẳn yếu, mà do đào tạo chưa sát so với nhu cầu của cụ thể của DN. Sở Giáo dục và Đào tạo, và Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho lãnh đạo thành phố. Về phía DN cũng cần chủ động đặt hàng các trường đại học từ đầu theo nhu cầu của mình vì chỉ có DN mới hiểu thị trường đang cần gì mà nhân lực cần đáp ứng, và mỗi DN có nhu cầu về trình độ, năng lực nhân lực cho nhu cầu thị trường khác nhau. Với những chính sách từ Chính phủ và các bộ ngành nếu DN cho rằng có khó khăn, vướng mắc, cần kiến nghị thì các sở, ngành sẽ tiếp thu, tập hợp để thành phố đề xuất lên các bộ ngành tháo gỡ cho DN.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết đối với ngành CNTT – điện tử, ITPC phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức đối thoại với DN hằng năm, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và ghi nhận nhiều kiến nghị của DN trong ngành. Từ các đề xuất của DN đối với các hoạt động XTTM và đầu tư về lĩnh vực CNTT – điện tử, ITPC sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở ngành liên quan tổ chức các sự kiện về CNTT như: Hội nghị “Xuất khẩu Dịch vụ Công nghệ thông tin” (từ ngày 19 đến 20 tháng 10 năm 2017), và “Tuần lễ Sản phẩm Công nghệ Thông tin – Viễn thông TPHCM” (trong tháng 11 năm 2017). Đây là hoạt động xúc tiến với quy mô lớn, triển lãm và giới thiệu các sản phẩm, thiết bị, các giải pháp CNTT áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo cơ hội cho các DN hợp tác đầu tư, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) nhận thấy thành phố rất quan tâm lĩnh vực CNTT nói chung và phần mềm nói riêng, cho tổ chức hội nghị xuất khẩu là hoạt động lớn. Việc UBND thành phố ký kết với HCA và các hội trong lĩnh vực CNTT – điện tử cho thấy sự quyết tâm ủng hộ các hoạt động của DN trong lĩnh vực CNTT – điện tử.
Ông Hải Long kiến nghị thành phố giao cho các hội DN phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và ITPC chủ trì các sự kiện lớn từ năm 2018 trở đi, như vậy sẽ có chiến lược XTTM bài bản và đồng bộ hơn; kiến nghị Sở Thông tin Truyền thông khởi động lại quỹ hỗ trợ đào tạo.
Về đào tạo và cung cấp nhân lực, HCA, VNITO đã cùng QTSC thành lập ra một trung tâm đào tạo phi lợi nhuận. Sinh viên mới ra trường hoặc sinh viên đã ra trường một năm được đào tạo thêm 9 tuần giúp các bạn có thêm kỹ năng để có thể gửi vào DN nhanh nhất. Trung tâm không thu phí đào tạo sinh viên, chỉ thu phí của DN có nhu cầu tuyển dụng. Dự kiến cuối năm nay HCA, VNITO cùng QTSC sẽ mở một trung tâm nữa cũng đào tạo ngắn hạn cung cấp cho thị trường Nhật Bản những kỹ sư cầu nối.