Chúng tôi kính nhờ Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí minh giải đáp cho chúng tôi vấn đề vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật lao động, cụ thể như sau:
1/ Về việc giữ chứng chỉ, văn bằng của người lao động:
Thực tế, trong quá trình làm việc công ty có cử nhân viên đi đào tạo các khóa học bên ngoài, chi phí do công ty chi trả. Kết thúc khóa học, tổ chức đào tạo sẽ cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học cho nhân viên được đi đào tạo.
Công ty đã và đang giữ những bản gốc chứng chỉ này vì (i) cần thiết để trình nộp đến các cơ quan nhà nước khi có thanh tra, kiểm tra và (ii) tránh việc nhân viên làm thất lạc, hư hỏng.
Vì vậy, việc giữ các chứng chỉ như trên của công ty có vi phạm quy định tại Điều 17 của Bộ luật lao động 2019 hay không?
2/ Về thời gian đi đường của người lao động:
Theo quy định tại Điều 113 khoản 6 "Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm".
Giả sử: Người lao động xin nghỉ tổng cộng 05 ngày, trong đó thời gian đi đường hết 2.5 ngày.
Căn cứ theo quy định thì 0.5 ngày công ty sẽ áp dụng hình thức như thế nào để người lao động được hưởng thêm thời gian đi đường? Công ty cho "Nghỉ có hưởng lương" hay "Không cần trả lương" cho người lao động?
Kính mong sớm nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời từ Quý Cơ quan. Trân trọng./.